Đề nghị chỉ cho phép TPHCM áp dụng hình thức BOT trên đường hiện hữu đối với 2 dự án

|

Bộ KH-ĐT đề nghị chỉ cho phép TPHCM triển khai BOT đối với 2 dự án, cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và Dự án đường trên cao số 5.

Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 được TPHCM đề nghị áp dụng phương thức BOT

Bộ KH-ĐT vừa có tờ trình báo cáo Thường trực Chính phủ về việc triển khai xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM.

Theo tờ trình số 1272/TTr-BKHĐT, tính đến ngày 24-2-2023 đã có 16/16 bộ, ngành gửi văn bản, dự thảo văn bản góp ý vào dự thảo nghị quyết. Hầu hết ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương thống nhất về sự cần thiết xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14. Trong số 48 cơ chế chính sách mà chính quyền TPHCM đề xuất, có 26 chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành. Mặc dù cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng những chính sách này, song một số nội dung dự kiến có phạm vi tác động lớn vẫn còn ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Liên quan đến việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhà thứ 2 trở lên, Bộ KH-ĐT cho rằng, chính sách này có thể không đảm bảo công bằng trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, người chỉ có một nhà ở, đất ở nhưng có diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 nhà ở, đất ở trở lên, nhưng có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế. Chính sách cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế, vì nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách “né” thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Bên cạnh đó, cơ chế này còn có thể làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế cao đối với việc sở hữu nhà đất thứ 2 trở lên.

Liên quan đến đề xuất đầu tư BOT trên đường hiện hữu, Bộ KH-ĐT cho biết, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật đối với dự án BOT đã quy định chỉ áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

“Việc chính quyền TPHCM đề xuất áp dụng hình thức BOT đối với dự án đường hiện hữu cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với người dân xung quanh dự án, cũng như tính hợp lý trong quá trình lắp đặt các trạm thu phí”, tờ trình của Bộ nêu rõ. Đây là lý do khiến Bộ KH-ĐT đề nghị chỉ cho phép triển khai BOT đối với 2 dự án, cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và Dự án đường trên cao số 5.

Về việc áp dụng hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trả bằng ngân sách TP, Bộ KH-ĐT cho biết “có nhiều ý kiến còn e ngại”, song qua cân nhắc toàn diện vấn đề, nội dung này vẫn được đưa vào dự thảo nghị quyết. Cụ thể, Bộ KH-ĐT đề nghị cho phép TPHCM được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức BT trên địa bàn. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho thành phố và sẽ được thanh toán bằng vốn ngân sách thành phố.

Theo yêu cầu của Chính phủ, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM dự kiến trình Quốc hội cuối tháng 5 tới đây để cơ quan lập pháp cho ý kiến và thông qua tại 1 kỳ họp.